Mách mẹ 3 tư thế vỗ ợ hơi hiệu quả cho bé sơ sinh sau khi ăn sữa
- Nguyễn Phương Khanh
- Tin tức
- 10/07/2019
Tình trạng đầy khí ga khó tiêu sau khi ăn sữa ở trẻ sơ sinh khá thường gặp vì lúc này dạ dày của trẻ nhỏ nên sẽ sinh hiện tượng chướng bụng. Từ đó khiến sữa và khí trong dạ dày trẻ sơ sinh bị đè nén và đẩy ngược trở lại thực quản rồi ra miệng. Khi đó trẻ sẽ trớ hoặc ọc sữa. Nhiều trẻ sơ sinh còn có hiện tượng đầy bụng, đau bụng, quấy khóc kéo dài.
Do đó, bế trẻ sơ sinh và vỗ cho con ợ hơi là nhiệm vụ quan trọng của người chăm sóc trẻ, giúp con giải thoát luồng khí dư thừa khỏi bụng. Nhờ đó trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Dưới đây “Mẹ và Bé” sẽ giới thiệu tới các mẹ 3 tư thế phổ biến nhất giúp vỗ ợ hơi cho bé sơ sinh:
1. Tư thế ngồi trên đùi mẹ
Quấn khăn sữa lót trước ngực cho bé phòng trường hợp con ọc sữa.
Một tay đỡ cổ, một tay đỡ lưng bé rồi tư từ đặt con ở tư thế ngồi.
Để bé hơi nghiêng người về phía trước rồi từ từ vỗ lưng bé hoặc vuốt từ trên xuống dưới theo sống lưng của trẻ cho đến khi nghe thấy tiếng con ợ.
2. Tư thế bế bé nằm sấp trên đùi mẹ để vỗ ợ hơi
Đặt một chiếc khăn xô lên đùi mẹ.
Để con nằm sấp trên đùi mẹ. Dùng tay mẹ đỡ ngực và cánh tay của bé.
Dùng tay còn lại vỗ lưng bé nhè nhẹ từ 10-15 phút cho đến khi bé ợ hơi được.
3. Tư thế bế vác
Đặt một chiếc khăn xô sạch phủ lên vai mẹ để phòng trường hợp bé ọc sữa.
Bế vác bé, mặt quay về hướng ngực mẹ.
Một tay đỡ cổ bé và nép vào người trẻ. Tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng bé hoặc vuốt dọc theo sống lưng của trẻ cho đến khi thấy bé ợ hơi được thì dừng lại.
Ngoài 3 tư thế này, còn một cách đơn giản để giúp bé đẩy luồng khí dư thừa trong bụng ra ngoài nữa là động tác đạp xe đạp.
Mẹ cho bé nằm ngửa ra một mặt phẳng vững chãi rồi cầm 2 chân bé đạp trong không khí. Đây cũng là cách hiệu quả những lúc bé bị táo bón hoặc đầy bụng.
* Ngoài ra, khi vỗ ợ hơi cho trẻ, mẹ cần lưu ý những điều sau:
Trẻ bú sữa mẹ sẽ có nguy cơ đầy bụng ít hơn so với bé bú sữa bình.
Bé nên được vỗ ợ hơi sau mỗi lần ăn xong để giúp con thoải mái hơn hoặc ăn thêm được một lượng sữa nữa.
Có thể vỗ ợ hơi cho bé từ 2-3 lần trong một cữ ăn sữa, đặc biệt là với các bé bú bình.
Nếu bé không ợ hơi thì mẹ cũng không cần quá lo lắng. Mẹ chỉ cần quan sát xem con ngủ ngon không, bé có biểu hiện quấy khóc không? Nếu không nghĩa là bé không bị đầy hơi trong dạ dày.
Thông thường trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu biết tự ợ hơi từ tháng thứ 4-5 trở đi vì lúc này bé đã có thể lẫy hoặc ngồi. Thêm vào đó hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh đã hoạt động thành thạo hơn nên trẻ sẽ gặp ít rắc rối trong việc tiêu hóa thức ăn hơn. Nhờ thế mà tình trạng đầy bụng, ọc sữa cũng sẽ dần giảm bớt.
Theo The Asianparent.