Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW– Baby led weaning
- Cao Hoàng Nhi
- Tin tức
- 03/12/2020
Nếu chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, mẹ hãy quên những món bột, cháo nghiền và hành động đút cho con từng muỗng thức ăn. Bé sẽ được tự ngồi ghế ăn và bốc từng món thức ăn để đưa vào miệng. Liệu bé và mẹ đã sẵn sàng cho một cách ăn dặm như thế ?
Thời điểm tuyệt vời nhất để tiến hành ăn dặm tự chỉ huy chính là bữa cơm của gia đình. Khi đó, bé sẽ được hòa vào không khí bữa ăn chung và tự chọn cho mình những món mà bé thấy hấp dẫn.
Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW là gì ?
Ăn dặm tự chỉ huy (Baby led weaning) hay ăn dặm kiểu BLW là phương pháp ăn dặm khuyến khích bé tự quyết định cách ăn và món ăn. Với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy BLW, bé được toàn quyền quyết định ăn hay không ăn, ăn bốc hay ăn món nào trước món nào sau. Phương pháp BLW đòi hỏi sự tôn trọng từ phía bố mẹ về sở thích ăn uống của trẻ. Điều này giúp trẻ tự do khám phá và làm quen với việc ăn uống theo cách thức tự nhiên nhất.
Nguyên tắc áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW
Về thức ăn:
- Tuy món ăn được chọn theo sở thích của trẻ nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho con
- Thức ăn cũng cần phù hợp với độ tuổi để đảm bảo cơ thể bé có thể hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng từ món ăn.
- Mẹ có thể linh hoạt cắt sợi hay cắt hình que ngắn các thức ăn để trẻ dễ ăn hơn.
- Một số thực phẩm cần hạn chế để tránh việc trẻ khó tiêu hoá, hấp thụ và đào thải, bao gồm đường, muối, mật ong, thức ăn nhanh, đồ ăn sẵn hay trứng lòng đào.
Về cách ăn:
- Tốt nhất là mẹ nên cho bé ngồi trên ghế tập ăn với tư thế thẳng lưng, mặt quay về phía bàn ăn.
- Để trẻ làm quen và tự lập với việc ăn uống, mẹ chỉ nên là người cung cấp thức ăn chứ không phải người cho trẻ ăn.
- Cho trẻ ăn dặm kiểu BLW khi trẻ tỉnh táo và không quấy khóc.
- Không khiến trẻ bị rối trí khi xử lý thức ăn bằng những hành động thúc ép.
- Không buộc trẻ ăn những món mà trẻ không thích hay ép trẻ ăn nhiều hơn so với mong muốn của trẻ.
Tham khảo: Có nên tùy tiện dùng thuốc bổ sung canxi cho bé từ 12 tháng tuổi để phát triển chiều cao ?
Lợi ích của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW
Phối hợp khéo léo ngón trỏ và ngón cái
Trong khoảng 7-10 tháng tuổi, bé bắt đầu phát triển khả năng cầm, nắm bằng cách sử dụng ngón trỏ và ngón cái. Trông có vẻ đơn giản, nhưng đây là một bước tiến về kỹ năng vận động tinh ở trẻ sơ sinh. Bằng cách cho bé tập ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy, mẹ sẽ giúp bé thực hành kỹ năng nhón, bốc thức ăn thường xuyên.
Thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ
Chuyện ăn uống của bé có liên quan chặt chẽ đến kỹ năng nói. Khi bé nhai, các cơ bắp, khớp hàm… được luyện tập thường xuyên và đây là bước chuẩn bị cần thiết để bé tập nói vào giai đoạn sau này. Việc mẹ nên làm là cho bé làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau củ luộc, thịt, trứng, cơm nắm và cả những thực phẩm dạng lỏng để khuyến khích con thực hiện những cử động đa dạng cho miệng, cơ mặt, hàm… sẽ giúp bé tập nói dễ dàng hơn.
Hạn chế tình trạng biếng ăn
Việc cho bé tập bốc thức ăn và làm quen với thực phẩm sớm sẽ giúp con bớt biếng ăn trong giai đoạn tuổi tập đi (1-3 tuổi). Các bé ở 6-7 tháng tuổi đã sẵn sàng để làm quen với nhiều trạng thái khác nhau của thực phẩm: Dạng rắn, dạng lỏng, dạng lợn cợn… Do đó, mẹ có thể lên một thực đơn cho bé ăn dặm thật đa dạng. Nếu lo lắng về việc con không ăn được nhiều, mẹ có thể kết hợp ăn dặm BLW với nhiều phương pháp khác, đồng thời duy trì việc cho bé bú mẹ.
Kết nối tay và mắt
Không chỉ tốt cho khả năng vận động tinh của bé, ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy cũng khuyến khích việc sử dụng kết hợp tay, mắt và miệng của bé. Chỉ một cử động cầm thức ăn và cho vào miệng đã tạo nên những kết nối giữa các cơ quan khác nhau. Việc dọn cho bé một thực đơn kết hợp, nhiều màu sắc sẽ giúp con tăng cường khả năng phối hợp đó.
Tăng sự tinh nhạy cho các giác quan
Để bé ăn uống ngon miệng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều giác quan. Ăn dặm BLW là một lựa chọn tốt để tăng cường khả năng cảm nhận cho bé. Từ thị giác được nhìn thấy những màu sắc, kết cấu thực phẩm khác nhau đến xúc giác khi được chạm vào thực phẩm, vị giác khi được nếm những món mình chọn và cuối cùng là thính giác, khi những âm thanh do thức ăn tạo ra trong miệng trở nên rộn ràng.
Giúp bé tự lập
Đây là ưu điểm nổi bật của phương pháp BLW so với các phương pháp ăn dặm truyền thống khác. Với các em bé không thích ăn đồ ăn do mẹ đút, việc sử dụng bàn tay để tự bốc thức ăn là một lựa chọn tuyệt vời hơn hẳn. Và khi đã sử dụng khéo léo đôi tay của mình, các bé theo phương pháp BLW thường biết cách sử dụng muỗng, nĩa từ khá sớm so với các bé không tập ăn bốc.
Tham khảo: 7 dưỡng chất giúp tăng chiều cao cho bé
Các giai đoạn ăn dặm BLW
Giai đoạn tập kỹ năng: Tập bốc
Bắt đầu sớm nhất từ 5.5 tháng, có bé có thể tới 7 tháng.
Bé ăn 1 bữa/ ngày, chủ yếu bé tập kỹ năng là chính.
Cho bé ăn sau khi ăn sữa khoảng 40p – 1h (nếu con vẫn nôn ọe hoặc trớ sữa có thể kéo dài thời gian này ra)
Kéo dài từ 1 – 3 tháng.
Thức ăn cắt thành thanh dài hoặc răng cưa, kích thước như 2 ngón tay người lớn
Thức ăn thường là củ quả hấp.
Giai đoạn phát triển kỹ năng: Bốc nhón sau đó là dùng thìa
Thức ăn được cắt nhỏ hơn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến.
Thức ăn có đạm (thịt, cá), có thể xào, chiên, rán.
Giai đoạn bốc nhón có thể kéo dài 0.5 đến 1.5 tháng, khi thấy bé dần dần giảm bớt số ngón tay khi cầm thức ăn.
Khoảng 9 tháng trở đi bé bốc nhón tốt cho thể cho bé tập dùng thìa. Giai đoạn thập thìa có thể kéo dài từ 2 – 5 tháng.
Các bé có thể xúc thìa tốt vào khoảng 15 – 18 tháng và thành thạo vào khoảng 18 – 24 tháng.
Xúc thìa là kỹ năng khó nhất trong phương pháp ăn dặm bé chỉ huy.
Giao đoạn hoàn thiện kỹ năng: Thành thạo dùng thìa, đũa
Sớm là 15 tháng, thông thường là 18 tháng, hầu hết 24 tháng là các bé có thể hoàn thiện kỹ năng.
Thức ăn như người lớn.
Có thể dùng thìa gọn gàng và bắt đầu biết dùng đũa.
Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy nên được kết hợp với cách ăn dặm truyền thống nếu bé vẫn còn quá nhỏ. Bằng cách này, bố mẹ không phải lo lắng việc bé không có đủ dinh dưỡng, vì ngoài những thực phẩm để tập bốc, con vẫn được bổ sung thêm thức ăn nghiền nhuyễn bên cạnh việc tiếp tục bú sữa.
Nguồn tổng hợp